Ngành nhựa Việt Nam còn phụ thuộc nguyên liệu dài dài


 Ngành nhựa trong nước được ví von như là ngành gia công, bởi hiện nay, hơn 80% nguồn nguyên liệu vẫn phải phụ thuộc từ nước ngoài, (do tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong ngành nhựa đều tăng, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu). Ngoài ra, hầu hết thiết bị máy móc ngành nhựa đều phải nhập.
 
Sản phẩm do Công ty Nhựa Sài Gòn sản xuất

Thông tin trên, được bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), chia sẻ với báo chí nhân buổi họp báo giới thiệu 2 cuộc triển lãm quốc tế lớn lần thứ 14, về ngành công nghiệp đóng gói Bao bì & In ấn 2014 – Công nghiệp Chế biến thực phẩm 2014- VNPrinPack 2014 + VNFoodTech 2014, diễn ra từ 22–25/10 và triển lãm ngành Công nghiệp Nhựa & Cao su 2014–VnPlastic + VnRuber Vietnam 2014, diễn ra từ 5–8/11 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội ngành nhựa Việt Nam, trong những năm qua ngành nhựa trong nước có tốc độ tăng trưởng khá tốt, năm sau luôn cao hơn năm trước, với mức bình quân từ 10%-15%, cho thấy ngành nhựa là một trong những ngành năng động và tiềm năng.
 
Ngành nhựa trong nước cần phải nỗ lực hơn để giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu
Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012, dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa ước đạt 1,49 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, ngành nhựa là ngành đặc thù khác với ngành cao su, do lợi thế ngành cao su là chủ động được nguồn nguyên liệu, còn ngành nhựa hầu như mỗi năm đều phải nhập khẩu 80%-90% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Đơn cử như năm 2013, tổng sản lượng nhựa nguyên liệu nhập khẩu cả năm là 3 triệu 100 ngàn tấn, trong đó, trong nước sản xuất được khoảng 700 ngàn tấn, chỉ chiếm khoảng 20%. 80% các nguyên liệu thô còn lại đều nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ các nước Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Ả rậpSaudi…
 
 
Hình ảnh buổi họp báo giới thiệu 2 triển lãm Quốc tế về ngành nhựa - bao bì - in ấn - thực phẩm đóng gói
Theo con số dự kiến, 9 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu Việt Nam đạt 2,25 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD, tăng 10,57% về lượng và tăng 10,68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Cũng theo bà Huỳnh Thị Mỹ, thường thì kim ngạch nhập khẩu cao gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu, hiện ngành nhựa chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm mạnh nhất là bao bì các loại, phục vụ cho túi sử dụng trong các siêu thị, túi đựng bánh kẹo (túi bao bì mềm); hàng gia dụng; nhựa kỹ thuật, các loại màng, xuất khẩu đến 150 nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Nhật Bản (chiếm 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa), tiếp theo là thị trường Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, Chính phủ cùng với Hiệp hội nhựa Việt Nam, các đơn vị ngành hóa dầu trong nước đang có kế hoạch đẩy mạnh ngành này, để tăng dần khả năng tự mình có thể sản xuất ra các nguyên liệu thô. Trong nước vài năm nữa dự án như nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, hy vọng sẽ giúp được phần nào giảm phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào ngành nguyên liệu vẫn còn dài dài, vì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm luôn tăng lên, nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước lại tăng rất chậm, nên vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế trong nước, bởi nguyên liệu vẫn nhập đến hơn 80% và hầu như thiết bị máy móc đều phải phụ thuộc nước ngoài hết. Bà Mỹ nhấn mạnh.

Please upgrade IE 8+, Download here