Thị trường dầu nhớt Việt nam, 2014 (Phần 2 - Quản lý và Môi trường)



Việt nam dường như đang “thả nổi” quản lý chất lượng dầu nhớt. Nhưng quản lý số lượng nhập khẩu thành phẩm dầu nhớt của các hãng nước ngoài. Một số Luật/Quyết định/Thông tư được áp dụng gần đây như Luật Quản lý Chất lượng, hay Quyết định về thu hồi xử lý và thải bỏ của TTg Chính phủ có thật sự bảo vệ được người tiêu dùng và một ngành công nghiệp Dầu nhờn hoạt động tự do, cạnh tranh, bình đẳng, trong khuôn khổ pháp luật hay không?
 
Tiêu chuẩn chất lượng
 
Cho đến hiện nay, chỉ tồn tại một Quy định của Bộ KHCN&MT (Khoa học Công nghệ và Môi trường) quy định chất lượng Dầu nhớt động cơ có tiêu chuẩn thấp nhất theo API (Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ) là SB/CC. Nhưng,Luật Quản lý Chất lượng, Hàng hoá quy định: các tổ chức sản xuất, nhập khẩu phải tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về việc công bố này.
Ở Việt nam, không có một tổ chức nào có thể đánh giá độc lập dựa trên các thử nghiệm: vật lý (physical), hoá học (chemical) và cơ học (mechanical) để đánh giá chất lượng một loại dầu động cơ có đạt các yêu cầu như đã công bố theo API, ACEA, GF,..Do đó, một loại dầu động cơ tự công bố chất lượng đôi khi thiếu trung thực đối với người tiêu dùng, nhất là các nhãn hiệu mới “mọc ra như nấm sau mưa” với nền tảng kỹ thuật yếu.
 
 

 
Vấn đề chất lượng của nhiên liệu cũng đáng quan tâm vì liên quan đến tiêu chuẩn khí thải. Hiện nay, hàm lượng lưu huỳnh (Sulfur content) thông dụng trong diesel là 500 ppm (đơn vị phần triệu) và tiêu chuẩn khí thải được áp dụng là Euro II. Việt nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn Euro IV vào năm 2017, lúc đó hàm lượng lưu huỳnh trong diesel phải là 50 ppm (thấp hơn 10 lần).
 
Sản xuất dầu gốc và quy định thải bỏ, thu hồi, xử lý
 
Cho đến nay, Việt nam chưa có một nhà máy nào chính thức sản xuất dầu gốc. Một dự án của CPC (Chinese Petroleum Corp.- Taiwan) vốn đầu tư USD 330 Triệu liên danh với Cty CP Xăng dầu Đại Hải dự định đầu tư tại Việt nam nhưng đã rút lui vào năm 2010. Năm 2015, CPC sẽ đóng cửa nhà máy tại Cao Hùng (Đài Loan) vĩnh viễn.
 
Một dự án tái sinh dầu nhớt thải thành dầu gốc nhóm 2 ( đã được phân tích trên trang eska.vn) tại KCN Hiệp Phước với chuyển giao Công nghệ của Mỹ đã trôi qua được 2 năm với không có một động thái và động lực nào để thực hiện.
 
Một dự án khác tại KCN Phú Nghĩa (Hà Tây) của Hyflux Singapore và SBEV (Liên danh giữa SBGC và Cty Vân Đạo) với vốn đầu tư 10 tr. USD để xử lý dầu thải bằng cách: xử lý và lọc trở lại thành dầu gốc và một phần pha với dầu để..đốt). Không có một thông tin tích cực từ dự án này về nguồn dầu sau khi tái sinh sẽ được sử dụng như thế nào.
 
Các lò chưng cất tư nhân (không được cấp phép) đã hoạt động trong vòng 3 năm trở lại đây, tập trung các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tp. HCM và một số tỉnh xung quanh Hà Nội đã cung cấp một lượng lớn dầu gốc (còn gọi là dầu cất) để sản xuất các loại nhớt..thấp cấp, rẻ tiền phục vụ cho vùng nông thôn hay miền núi xa xôi, khi người dân không biết phân biệt được chất lượng của nhãn hiệu. Lượng dầu tái sinh này khá lớn và không có số liệu thống kê chính thức.
 
Quyết định 50/2013/TT-QĐ của Việt nam sẽ áp dụng vào ngày 1/1/2015 quy định trong đó dầu mỡ nhờn là một mặt hàng phải được thu gom, xử lý và thải bỏ đúng quy định. Hiện nay, đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ KHCN TN&MT nhưng ngày thực hiện được lùi lại không biết đến khi nào.
 
Cân bằng cung/cầu dầu gốc.
 
Các phân tích cho thấy, nguồn dầu gốc được nhập khẩu chính thức 100% từ Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan,…theo các hợp đồng dài hạn đối với các nhãn hiệu lớn. Một số nhãn hiệu pha chế trong nước không cố định một nguồn dầu gốc nào cả. Do đó, chất lượng dầu nhớt từ các nguồn này sẽ không được ổn định. Trong nửa năm đầu 2014, khi giá dầu gốc đứng ở mức cao, một số Cty đã nhập khẩu dầu gốc tái sinh từ Malaysia, Nga, Trung Đông về pha chế. Hiện tượng này chấm dứt vào nửa cuối năm 2014, khi giá dầu gốc xuống dưới mức USD 900 tấn.
 
Năm 2014, đánh dấu hiện tượng dư thừa nguồn cung từ: Đông Á (Hàn Quốc, Đài Loan), Nga, Châu Âu và Trung Đông, Mỹ với nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động. Thị trường Việt nam cũng được hưởng lợi từ nguồn cung dồi dào. Các nhãn hiệu lớn ký được hợp đồng dài hạn với trực tiếp nhà máy. Trong khi đó, thậm chí Sojizt (Nhật bản) đã thiết lập kho tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) để tồn trữ dầu gốc từ Formosa (Đài Loan) cung cấp cho các nhà pha chế nội địa với các đơn hàng nhỏ, lẻ.
 
Sự dư thừa nguồn cung dầu gốc là yếu tố ổn định về giá và tự tin sản xuất, nên, đã có hiện tượng bùng nổ các nhãn hiệu mới được pha chế tại Việt nam.
 
(còn tiếp)


Please upgrade IE 8+, Download here